Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Vượt quá tốc độ - 'mũi tên hòn đạn' trên đường phố

Đọc bài "Tài xế vượt liên tục trên cao tốc - thói xấu hay lái giỏi?", thấy tác giả Nguyễn Khoa gửi đi thông điệp: "Không cổ suý cho hành vi vượt quá tốc độ", tôi nhất trí với tinh thần đó. Khi đọc các bình luận, nhiều ý kiến làm tôi thấy việc trao đổi thêm là cần thiết.

Quy định về việc tham gia giao thông trên đường cao tốc đã ghi rõ ở Điều 26 Luật giao thông đường bộ. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ cũng định nghĩa rõ về đường cao tốc. Vậy chỉ có một đáp án, sao phải tranh cãi! Đáp án đó là: "Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường".

Đường cao tốc Việt Nam chưa có làn ưu tiên, làn dành riêng cho các phương tiện vượt, chỉ có làn tăng tốc trước khi các phương tiện nhập vào đường cao tốc. Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính đường bộ, đường sắt cũng đã quy định chế tài với hành vi lái xe chạy quá tốc độ.

Khi ôtô đã đạt vận tốc tối đa được phép theo quy định trên đường cao tốc là đã chạm tới làn ranh của sự an toàn, chạy quá tốc độ sẽ không an toàn; nhường cho xe khác chạy với tốc độ cao hơn quy định - không đảm bảo an toàn. An toàn ở đây không chỉ với người chạy quá tốc độ mà với cả bản thân, người và phương tiện cùng tham gia giao thông. Khi một sự cố, một tai nạn bất ngờ trên đường cao tốc thì nguy cơ tai nạn, hiệu ứng đâm liên hoàn hiện hữu, hậu quả rất nặng nề.

Việc xe A đạt tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc, duy trì tốc độ đó ổn định trên một làn đường không phải là "ôm làn". Khi xe A chạy chậm hơn tốc độ tối đa cho phép ở làn ngoài cùng bên trái theo chiều đi mới gọi là "ôm làn" theo nghĩa tiêu cực.

Trong mọi tình huống xe B phía sau không được vượt sai quy định, vượt ẩu. Xe B chỉ có thể xin vượt. Xe A cho vượt, nếu đủ điều kiện an toàn cho phép thì phải nhường cả tốc độ và khoảng cách tức là chuyển vào làn trong theo đúng quy định tại điều 14 luật GTĐB, nhưng xe B cũng không được chạy quá tốc độ tối đa cho phép. Trường hợp xe A vẫn duy trì tốc độ đối đa, xe B không được phép vượt vì không đủ điều kiện an toàn. Xe B có đi vào làn bên phải cũng phải tuân thủ về tốc độ, có nghĩa sẽ không thể vượt được xe A nếu như xe A vẫn chạy với tốc độ tối đa.

Xe A nhường hay không tùy thuộc vào tài xế xe A và tình huống giao thông thực tế tại thời điểm đó. Nếu anh A cũng đang rất chi là vội, anh ta không nhường thì cũng không sai, hoặc tại thời điểm đó làn bên phải đông đúc, việc giảm tốc độ để nhập làn với xe A là khó khăn, chưa an toàn thì xe A chưa cho vượt, xe B phải chờ, "cứ từ từ...".

Tuy nhiên, trong thực tế, khi gặp những trường hợp mà các bác tài gọi là "chó càn" tức là xe sau dí đuôi, chớp pha, nháy xi-nhan, còi liên tục... đòi vượt thì chúng ta dù "ghét cái thái độ" cũng nên nhường, không thèm chấp. Nhường để không gây ức chế căng thẳng cho cả 2, nhường để an toàn.

Nước ta có 5 tuyến đường cao tốc quốc gia, tổng cộng khoảng hơn 500 km, hàng ngày nghe về những vụ va chạm, đâm va, tai nạn liên hoàn trên cao tốc trở thành thường xuyên, thật đau lòng. Ý thức tham gia giao thông nói chung và chạy quá tốc độ, vượt ẩu nói riêng của nhiều bác tài thật "lầy lội"! Giả sử mỗi người tham gia giao thông đều đem lý do cá nhân cho việc chạy quá tốc độ, vượt trên luật pháp và đòi người khác phải vui vẻ nhường đường thì sẽ thế nào?

Việt Nam chưa có thống kê chính xác, nhưng ở Mỹ NHTSA thống kê mỗi năm có gần 12.500 người chết do tai nạn bởi lái xe chạy quá tốc độ quy định, chiếm khoảng 33% nguyên nhân tai nạn gia thông, tốn kém cho xã hội 28 tỷ USD.

Nhà chức trách chứng minh rằng chỉ cần vượt quá tốc độ 8 km/h so với quy định giả sử là 48 km/h, thì với vận tốc 56 km/h ở khoảng cách 14 m sau khi phanh, tốc độ của xe xuống còn xấp xỉ 29 km/h, đủ để gây thương tích nghiêm trọng cho người đi bộ.

Chúng ta thử tính nếu xe đang chạy 180 km/h, quá tốc độ cho phép trên cao tốc 60 km/h thì ở khoảng cách 80 m sau khi phanh, xe sẽ giảm tốc độ còn bao nhiêu, và sẽ gây tổn thất cho người, phương tiện như thế nào?

Mới đây vụ Fortuner đâm liên tiếp Camry và Altis văng xa cả trăm mét, chỉ bị chặn lại bởi rào hộ lan trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; rồi xe BMW thuộc Kremlin bị tai nạn trên đại lộ ở thủ đô Nga làm chúng ta phải giật mình liên tưởng về đường cao tốc của chúng ta, cách tham gia giao thông của mỗi chúng ta.

Đừng phó mặc cho CSGT sẽ chặn ai đó vượt quá tốc độ. Sẽ là quá muộn. Có thể khi vượt qua chúng ta bằng tốc độ "mũi tên hòn đạn" xe đó sẽ nhỏ dần và mất hút, nhưng rất có thể người thân bạn bè của chúng ta cũng đang ở nơi đấy, hoặc ở đâu đó ngay trước mũi xe của họ - người thiếu ý thức.

Chúng ta cũng không thể chặn họ trên đường khi họ đã cố tình. Hãy chặn họ trên các diễn đàn - một kênh giáo dục ý thức tham gia giao thông.

"Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội!" (trích Luật GTĐB ĐS). Nghe có vẻ hô khẩu hiệu. Nhưng vẫn nên hô!

Nguyễn Phúc Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét